Mô tả
Khèn - Tiếng Mông gọi là Kênhx gắn với truyền thuyết mang tính nhân văn sâu sắc. Chuyện kể rằng xưa có hai vợ chồng già người Mông sinh được 7 anh em, trong đó có 6 người con trai và một cô gái, ai cũng khỏe mạnh, có tài săn bắn, hái lượm, thêu thùa, ca hát và luôn hiếu thảo với cha mẹ. Khi người mẹ do tuổi cao sức yếu qua đời, người cha cùng bảy anh em thương tiếc, đau buồn khóc đến không muốn ăn, muốn ngủ và rồi người cha kiệt sức cũng qua đời. Mất mẹ, nay lại thêm nỗi đau mất cha, bảy anh em càng buồn hơn. Họ khóc ngày, khóc đêm đến khản tiếng, mất giọng không nói thành lời. Thương tình trước sự hiếu thảo của bảy anh em, Bụt hiện lên bảo rằng: “Các con hãy làm một cái bầu và khoét lỗ, lấy 6 ống trúc luồn vào để một người thổi là cả 6 ống đều than khóc, còn cô em gái thì gộp vào ống trúc của người anh cả để cùng than khóc cha mẹ và trông coi việc thực hiện phong tục tập quán của sáu người anh trai”… Cũng từ đó cây Khèn được ra đời, cây khèn có 6 ống trúc nhưng có 7 cái lam đồng tượng trưng cho 7 anh em.
Khèn Mông có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương. Khèn Mông được coi như phần hồn, là ngôn ngữ thứ hai của dân tộc Mông. Người Mông cho rằng nếu dân tộc Mông không có Khèn thì coi như không phải là người Mông. Với những giá trị văn hóa độc đáo của mình, năm 2015 nghệ thuật Khèn của người Mông ở Hà Giang được ghi danh trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong hành trình bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc ở Hà Giang, văn hóa truyền thống dân tộc Mông, trong đó có Khèn Mông luôn được các cấp, các ngành và cộng đồng dân tộc Mông chú trọng bảo tồn và phát huy phục vụ nhu cầu sáng tác, hưởng thụ văn hóa của cộng đồng và ngày nay Khèn Mông còn trở thành sản phẩm du lịch độc đáo thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế./.
Thành phần
Từ tre trúc được dũa gọt và gia công thủ công
Công dụng
Biểu diễn, vật trang trí
Điều kiện bảo quản
Bảo quản nơi khô ráo, tránh chất gây cháy